Những công việc và tâm lý cần chuẩn bị trước khi kinh doanh online

Những sai lầm và ngộ nhận khiến bạn thất bại khi mới bắt đầu kinh doanh online

1- Thiếu sự chuẩn bị một cách nghiêm túc

2- Lựa chọn quy mô bán hàng và chất lượng hàng hóa

3- Phải trung thành với mục tiêu mà mình đề ra

4- Thiếu sự sáng tạo trong kinh doanh, không coi trọng và bỏ qua việc xây dựng thương hiệu cá nhân hoặc hàng hóa.

5- Thiếu sự chăm sóc khách hàng

6- Bán rẻ, bán giảm giá, cho tặng khách hàng để trải nghiệm

7- Xác định sai đối tượng

8- Thiếu khát vọng

9- Thiếu sự tự tin và sợ thất bại

10- Thiếu kỹ năng maketing

          Kinh doanh online- tận dụng những khoảng trống (thời gian): Một ngày nào đó, bạn thấy rằng đồng nghiệp thân thiết với mình bỗng thông báo vừa mua nhà, sắm ô tô hàng triệu đô; bạn giật mình bắt đầu để ý và thấy rằng, thực ra người ấy từ lâu đã sử dụng những thứ hàng hiệu đắt đỏ, đời sống có rất nhiều thay đổi, từ cái bóp cầm tay, chiếc đồng hồ, đôi giày hàng hiệu…. Nhưng vì bản tính vô tư nên bạn đã không nhận ra từng thói quen ấy. Chỉ biết rằng, mỗi ngày người ấy bỏ nhiều thời gian hơn cặm cụi trên chiếc laptop hoặc chiếc điện thoại thông minh trong giờ nghỉ trưa, hoặc ở lại cơ quan muộn hơn mỗi cuối giờ chiều…

          Sự sáng tạo là yếu tố tiên quyết trong kinh doanh online. Không nên chạy theo xu hướng hoặc công thức kinh doanh một cách rập khuôn. Trong thời đại khoa học công nghệ, nhất là công nghệ số phát triển như vũ bão, hàng loạt các ứng dụng xã hội đã ra đời hỗ trợ con người trong mọi lĩnh vực của đời sống. Sự bùng nổ của các thiết bị thông minh và tương tác người dùng trong chia sẻ dữ liệu đã và đang tạo ra vô số ngành nghề kinh doanh mới, có thể biến một người trở lên giàu có hoặc nổi tiếng trong một vài nốt nhạc. Đó chính là kỷ nguyên số và nền kinh tế tri thức.

          Một trong những ngành nghề đang rất hot, được “dân văn phòng” ưa chuộng, đó chính là “bán hàng online”.  Trong khi mọi người nô nức và học nhau đi bán hàng online để cải thiện cuộc sống, thì cũng lại quên mất khát vọng thực sự của mình là gì. Trong bài viết này, tôi sẽ nói về 02 chuyên đề, bao gồm: những sai lầm khiến bạn thất bại khi mới bán hàng và kỹ năng bán hàng online.

          Phần 1- Những sai lầm và ngộ nhận khiến bạn thất bại

1- Thiếu sự chuẩn bị một cách nghiêm túc

– Kế hoạch về bố trí thời gian cho kinh doanh: Khi bạn nghĩ rằng, mình cần phải bắt đầu kiếm thêm thu nhập từ bán hàng hoặc đặt mục tiêu sẽ kiếm được rất nhiều tiền từ kinh doanh, bạn bắt đầu nghiên cứu thị trường, hàng hóa để lập kế hoạch kinh doanh. Nhưng bạn vẫn không thể nào bỏ được thói quen cũ: tụ tập, buôn chuyện, la cà… tốn thời gian vô ích.

– Thiếu sự chuẩn bị: Khi đã nhằm được mục tiêu là hàng hóa, bạn nghĩ rằng chỉ cần lên mạng cóp nhặt một vài thông tin cơ bản về sản phẩm và đăng lên các diễn đàn để tìm người mua. Nhưng làm như thế chỉ tốn thời gian, bởi vì trên mạng người ta chỉ nghe bạn nói để quyết định mua hàng hay không. Cho nên một nội dung nghèo nàn, hình ảnh đơn điệu và có phần giả dối sẽ khiến khách hàng nghi ngờ tính chân thực của bạn.

– Mục tiêu không rõ ràng: bạn sẽ đặt mục tiêu mình cần kiếm được bao nhiêu tiền mỗi tháng. Nếu như bạn không xác định được mục tiêu ngắn hạn và dài hạn thì chắc chắn bạn sẽ không xây dựng được chiến lược kinh doanh của mình và có quyết tâm thực hiện các mục tiêu đó.

– Sự thiếu hiểu biết về hàng hóa: Trước khi bán bất kỳ sản phẩm nào, bạn đều phải nghiên cứu kỹ về sản phẩm đó, nó bao gồm đặc tính, chất lượng, hiệu quả, thương hiệu, nhà sản xuất, uy tín trên thị trường, hướng dẫn sử dụng và khuyến cáo của nhà sản xuất… Thậm chí không chỉ có vậy. Bạn có bao giờ nghĩ rằng mình sẽ cần có sự hiểu biết hơn những thứ như trên không? Những hiểu biết và câu hỏi của bạn về hàng hóa làm cho ngay chính nhà sản xuất phải bất ngờ? Đừng để những gì bạn đăng tin, nó đã nhan nhản trên mạng rồi thì ai cần quan tâm đến bạn.

* Lời khuyên: Khi mới bán hàng và thiếu kinh nghiệm đánh giá sản phẩm, bạn nên chọn hàng hóa của một đơn vị có uy tín mà liên quan đến từng sản phẩm, họ có những thông tin, tài liệu chỉ dẫn cụ thể để hỗ trợ bạn bán hàng tốt hơn. Không nên đặt lòng tin vào một sản phẩm mà thông tin mập mờ, không phản ánh được sự khác biệt của sản phẩm so với các loại khác trên thị trường. Nếu bạn bán hàng, mà tạo ra được sự khác biệt trong cách bán và tiếp cận sản phẩm, tức là bạn đã tạo ra dấu ấn của riêng mình.

2- Lựa chọn quy mô bán hàng và chất lượng hàng hóa

Bạn nghĩ rằng bán đa dạng các mặt hàng thì cơ hội bán được hàng sẽ càng cao, do vậy bất kỳ ai giới thiệu gì bạn cũng đăng lên bán hàng, việc này sẽ dẫn đến các nhược điểm:

+ Gian hàng của bạn trở thành cái chợ cóc;

+ Bạn không nắm được kỹ thông tin về sản phẩm;

+ Không có thời gian chăm sóc khách hàng;

+ Tồn nhiều hàng hóa dẫn đến dàn trải vốn;

Cho nên, nếu trên các diễn đàn, bạn cứ vô tư spam tất cả các mặt hàng từ sáng đến tối, rất nhiều khách hàng sẽ tẩy chay bạn do bị làm phiền; bạn bán tạp nham các loại thì sẽ phải cạnh tranh về giá và lợi nhuận không cao. Nếu bạn bán hàng đắt tiền, khách hàng sẽ không tin tưởng xuống tiền vì bạn không có thời gian chăm sóc họ và họ nghi ngờ chất lượng hàng hóa của bạn.

Một người bán hàng tạp hóa thì không thể trở thành một doanh nhân.

* Lời khuyên: Hãy cố gắng tìm cho mình một sự khác biệt để trở lên nổi bật. Hãy không ngừng suy nghĩ và tư duy cho đến khi tìm ra hướng đi “độc, mới và lạ”. Hàng hóa cũng vậy, nếu bạn bán hàng đắt tiền, bạn phải hiểu rất rõ về sản phẩm, bạn phải trở thành chuyên gia trong việc tư vấn đó. Kể cả khi bạn đang bán “bách hóa”, thì hãy cố gắng đi tìm 1 hàng hóa có sự khác biệt để kinh doanh và học cách thay đổi. Tôi gợi ý giúp bạn thế này: bạn đọc kỹ tài liệu của sản phẩm; yêu cầu bên hãng cung cấp tài liệu khác nữa mà bạn cần. Có rất nhiều tài liệu nhưng vì lý do nào đó họ không gửi cho đại lý hoặc khách hàng, nên bạn hãy cố gắng xin họ tài liệu ấy. Ngoài ra, bạn đọc kỹ thành phần của sản phẩm, tìm trên mạng xem nó là gì (bằng câu hỏi kiểu như: propyline glyco là gì)

3- Phải trung thành với mục tiêu mà mình đề ra

Đa số các bạn thường than vãn rằng mình không có thời gian. Nhưng bạn vẫn bỏ ra hàng giờ để làm móng tay hay đến nửa ngày để làm tóc, hoặc dạo chơi hàng giờ trong các shop quần áo, la cà cùng bạn bè và bạn nghĩ rằng việc đó là món ăn tinh thần đương nhiên trong cuộc sống mà không thể bỏ được nó. Thế nhưng, những thói quen của bạn là những gì xa xỉ đối với người kinh doanh. Hãy cố gắng dành thời gian hàng ngày để tạo dựng thói quen: làm thế nào chụp một bức ảnh tạo cảnh thật hấp dẫn, viết content để tạo sự khác biệt, hướng dẫn nhận biết hàng hóa, dạo chơi trên diễn đàn liên quan đến lĩnh vực kinh doanh, hoặc tham gia các diễn đàn mà những người kinh doanh hay đến trao đổi, chia sẻ…..

* Lời khuyên: Đối với mỗi mục tiêu mà bạn đã đề ra mà chưa đạt được, hãy nỗ lực gấp đôi thời gian, thậm chí gấp 10 lần để bù đắp lại điều đó. Kinh doanh không hẳn đòi hỏi về trí tuệ đầu tiên, mà phải có lòng kiên trì và chịu khó mới chính là điều kiện tiên quyết.

4- Thiếu sự sáng tạo trong kinh doanh, không coi trọng và bỏ qua việc xây dựng thương hiệu cá nhân hoặc hàng hóa.

Bạn bù đắp doanh số bán hàng bằng cách phủ rộng các lĩnh vực hàng hóa đa dạng khác nhau để đáp ứng tất cả nhu cầu của khách hàng và nghĩ rằng khách hàng khi vào xem gian hàng của mình thì “không mua cái này thì cũng sẽ mua cái khác” và bạn cứ thế đi tìm kiếm những hàng hóa trong các lĩnh vực để bổ sung vào gian hàng của mình. Thế nhưng, càng nhiều hàng hóa, bạn lại càng kinh doanh kém hiệu quả. Là do: khi bạn vội vàng đưa lên gian hàng cho đầy đủ hàng hóa, có nhiều mặt hàng bạn không kịp tìm hiểu để đánh giá đúng về nó; bạn sẽ không có chính sách giá tốt hoặc thậm chí chất lượng kém và điều này sẽ là con dao 2 lưỡi hủy hoại bạn.

* Lời khuyên: thay bằng việc cố gắng nỗ lực tìm mọi cách đa dạng hóa các mặt hàng, thì khi mới bắt đầu kinh doanh, nên chọn lựa chỉ bán một số mặt hàng chất lượng và tập trung chăm sóc khách hàng theo lĩnh vực hàng hóa đó; thay bằng đa dạng hóa các mặt hàng thì hãy nghĩ sao cho đa dạng hóa các hình thức kinh doanh để tiếp cận khách hàng nhiều hơn. Hãy kiên trì với định hướng của mình, thậm chí bạn cần phải có chiến lược xây dựng thương hiệu cá nhân đối với các sản phẩm mà mình bán.

5- Thiếu sự chăm sóc khách hàng

 Điều tối kỵ nhất trong kinh doanh kênh trực tiếp chính là chăm sóc khách hàng. Bạn có biết rằng, có nhiều người sẵn sàng xuống tiền chỉ vì yêu mến cách bạn chăm sóc họ, quan tâm đến họ chứ không hẳn là chất lượng của sản phẩm. Cho dù khách hàng của bạn là anh chị em ruột hay cô dì chú bác đi chăng nữa, nếu bạn bán hàng mà không chăm sóc họ, đôi khi bạn vẫn nhận được sự phàn nàn về hàng hóa hoặc cách cư xử của bạn.

* Lời khuyên: Hãy học cách tôn trọng và chăm sóc khách hàng nhé. Đôi khi bạn phát hiện một điều rất hiển nhiên, họ đang dùng một số sản phẩm mà bạn đang bán, nhưng họ đã không mua từ bạn.

6- Bán rẻ, bán giảm giá, cho tặng khách hàng để trải nghiệm

Việc này rất hay xảy ra với các bạn mới bắt đầu bán hàng do bạn đang thiếu sự tự tin. Khi bạn bán rẻ, hoặc giảm giá: nó không có tác dụng nhiều vì thực sự mà nói thì khách hàng vẫn nghĩ rằng bạn bán hàng phải có lãi, nên việc giảm giá không giúp gì được nhiều cho kinh doanh, mà bạn thì bị giảm lãi. Việc tặng cho khách hàng trải nghiệm cũng tương tự như vậy. Tôi lấy ví dụ như bán mỹ phẩm thảo dược, nếu bạn đưa cho họ mẫu thử để họ trải nghiệm vài lần, họ sẽ không cảm nhận được hoàn toàn chất lượng của nó; nếu bạn tặng cho họ cả bộ sản phẩm, thì sau này nếu may mắn bạn sẽ mất ít nhất 01 năm để họ mua bù lại số tiền mà bạn bỏ ra tặng sản phẩm cho bạn.

* Lời khuyên: Nếu bạn muốn bán sản phẩm của mình phải cạnh tranh, hãy tìm sản phẩm để cạnh tranh về chất lượng và giá trị. Nếu bạn đã chấp nhận một sản phẩm để bán, thay vì giảm giá, cho tặng khách hàng sản phẩm, hãy cố gắng bán đúng giá kèm theo một mặt hàng nào đó khuyến mại để khách hàng cảm thấy mình được hưởng lợi, trong khi bạn vẫn hạch toán được thêm doanh số từ hàng khuyến mại đó thành lợi nhuận. Việc bán đúng giá còn giúp cho bạn không phá vỡ cấu trúc hàng hóa của nhà sản xuất; đồng thời thể hiện rằng mình bán hàng chất lượng và hoàn toàn nghiêm túc trong kinh doanh.

7- Xác định sai đối tượng

Kinh doanh online hay tư vấn trực tiếp cũng vậy, nếu bạn tiếp cận đối tượng không phù hợp thì 90% bạn thất bại là cái chắc. Do vậy, với mỗi hàng hóa, bạn cần phải xác định nó phù hợp với loại đối tượng nào để khoanh vùng và lập kế hoạch mục tiêu cho đúng, như: độ tuổi, giới tính, tâm lý, thói quen, đặc tính, phân khúc khách hàng…

* Lời khuyên: trước khi quyết định bán sản phẩm, bạn cần phải định hình thị trường và khả năng bán sản phẩm đó để xem nó có phù hợp với mô hình kinh doanh của mình không. Không nên bán sản phẩm chỉ vì nó đang hot hoặc người khác đang bán tốt.

8- Thiếu khát vọng

Bạn nghĩ rằng mình đang thiếu thốn và cần phải bán hàng để cải thiện thêm cuộc sống, trang trải khó khăn. Để phù hợp với công việc đang sẵn có, sắp xếp thời gian hợp lý trong những lúc rảnh rỗi hoặc chăm sóc con cái, bạn nghĩ ngay đến việc bán hàng online, mong muốn mỗi tháng sẽ kiếm thêm thu nhập 2 triệu đến 4 triệu đồng; thậm chí nếu có thể được 30 triệu thì tốt. Bạn đã từng nghĩ một ngày nào đó mình sẽ kiếm được 300 triệu/tháng không? Nếu bạn nghĩ rằng nó chỉ là một giấc mơ, vậy tại sao không mơ lớn một lần?

Bạn có biết sự khác nhau giữa “con buôn” và “doanh nhân”? Khi bạn kiếm được 300 triệu/tháng, chưa chắc mọi người đã gọi bạn là doanh nhân. Bởi vì trong kinh doanh, chiến lược của bạn phải đi kèm với xây dựng hệ thống bán hàng, quy mô của tổ chức bộ máy và sự chặt chẽ về quản lý bộ máy đó.

Đa số chúng ta thiếu khát vọng và nghĩ rằng mình kém cỏi không bao giờ có thể đạt được những mơ ước đó. Trong cuộc sống, tôi từng gặp rất nhiều người lúc trước khó khăn lắm, họ cũng không thuộc tuýp người thông minh hay mọt sách, nhưng sau hàng chục năm lăn lộn họ cuối cùng cũng đã thành công. Tôi cho rằng chìa khóa của thành công ấy chính là phải có khát vọng. Bạn cứ bán hàng online đi, nhưng luôn luôn bắt cái đầu phải suy nghĩ, phải xây dựng một chiến lược dài hơi hơn cho mình. Hãy tách một phần lợi nhuận của bán hàng để làm những công việc rủi ro hơn để có thể mang lại những thắng lợi lớn hơn. Trong một nền kinh tế tri thức, người ta không đi tìm các mỏ vàng ở bên ngoài, mà tập trung đào nó ngay trong đầu của mình, ý tôi là vậy.

* Lời khuyên: Muốn chiến thắng trên chiến trường, phải dùng mọi thủ đoạn; thương trường cũng như chiến trường, bạn hầu như không có cơ hội để chiến thắng khi mà bạn chưa nỗ lực hết mình, thậm chí trên cả hết mình. Ngay khi bắt đầu kinh doanh, bạn hãy đặt mục tiêu ngắn hạn và dài hạn cho mình, hoặc ít nhất là định hướng chiến lược. Có thể bạn không đặt bút xây dựng thành kế hoạch một cách bài bản; nhưng trong mỗi công việc kinh doanh, hãy không ngừng nghĩ về nó và nghĩ về cách họ, những người thành công đang làm như thế nào. Hãy phân tích họ qua hệ thống họ xây dựng, chính sách bán hàng của họ và cách thức họ chăm sóc hệ thống đó.

9- Thiếu sự tự tin và sợ thất bại

Khi bắt đầu kinh doanh, trước hết bạn hãy thôi than vãn về cuộc sống đầy những khó khăn của bản thân hay gia đình; bạn hãy dừng đổ thừa số mình đen đủi hay sinh ra không gặp thời. Nếu nói về làm ăn và kinh doanh, thì ở VN tôi cho rằng đây chính là thời kỳ tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh nhất và dễ thành công nhất. Nếu một người không biết tận dụng cơ hội thì dù đưa họ vào môi trường nào cũng vậy mà thôi, họ sẽ rất nhanh chóng tìm ra các khó khăn trước bất kỳ cơ hội nào. Ngoài ra, khi bạn thất bại, bạn cảm thấy khổ sở, buồn chán vì thất bại, bạn cảm thấy không thể gượng lại sau khi mất tất cả mọi thứ chỉ trong một thời gian ngắn.

* Lời khuyên: Không nên bỏ tất cả trứng vào cùng một giỏ. Nếu bạn có nhiều lĩnh vực kinh doanh hoặc đầu tư khác nhau, bạn cần phải học cách cân bằng nguồn vốn đó. Khi thất bại, bạn không được phép buông bỏ vì quyết định đó sẽ làm ý chí của bạn bị bẻ gãy hoàn toàn. Bạn vẫn phải duy trì kinh doanh, nhưng thu hẹp phạm vi và quy mô để đảm bảo rằng giảm tối đa thiệt hại trong khi tìm cách phục hồi nó. Bạn cũng phải chấp nhận mọi rủi ro và tính đến nó ngay khi bạn đưa ra quyết định và tính đến hậu quả của nó để xem có chấp nhận được hay không trước khi quyết định.

10- Thiếu kỹ năng maketing: tôi sẽ trình bày kỹ ở phần sau

Một số vấn đề khác cũng có thể dẫn đến thất bại, đó là

– Lựa chọn hàng hóa và chiến lược kinh doanh không phù hợp

– Không đánh giá, dự báo được vòng đời sản phẩm

Chúc bạn thành công!

Creat by Vuong.LT

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *