Nhận biết mỹ phẩm giả, kém chất lượng

Có cách nào nhận biết một sản phẩm là hàng nhái, hàng giả hoặc hàng kém chất lượng?

Việc mua mỹ phẩm ở các cửa hàng chuyên doanh, các siêu thị hoặc các cửa hàng uy tín cho chúng ta những sản phẩm chính hãng. Tuy vậy, dạo quanh thị trường chúng ta vẫn phát hiện không thiếu những sản phẩm kém chất lượng bày bán công khai.

Trong vài năm trở lại đây, khi nhu cầu chăm sóc tóc ngày càng tăng, các cửa hàng dịch vụ cũng theo đó mọc lên, thậm chí chui vào từng ngõ ngách, chung cư cao tầng… và cả phố huyện. Nhiều cửa hàng còn phát triển online, mở thành chuỗi với dịch vụ đa dạng để hút khách. Không khó để bạn nhận biết được là các sản phẩm dầu gội, dầu xả được bán kèm theo khi khách hàng có nhu cầu. Nhưng bên cạnh những cửa hàng làm ăn uy tín, cũng không ít nơi bán trà trộn các mặt hàng kém chất lượng.

Hàng năm, cơ quan chức năng bắt hàng chục vụ có liên quan đến nhập lậu mỹ phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc hoặc làm giả thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới. Vậy câu hỏi đặt ra là tảng băng chìm đó là bao nhiêu và những lô hàng thoát được sẽ được phân phối như thế nào. Nếu không có kiến thức về sản phẩm, không ít người đã vô tình bỏ ra số tiền lớn nhưng mua phải những sản phẩm kém chất lượng.

Để trở thành người tiêu dùng mua sắm thông minh và tránh việc mua phải hàng giả, hàng nhái với giá cao mà không đảm bảo chất lượng, chúng ta cần được trang bị kiến thức chung về sản phẩm để nhận biết các dấu hiệu của hàng giả, hàng nhái như sau:

Dưới đây là hình ảnh khá quen thuộc của thương hiệu dầu gội Garden, được quảng cáo là sản phẩm có nguồn gốc từ Đức (Germany). Tuy vậy, nếu bạn cố tìm kiếm, kết quả bạn không thể nào tìm được tên thương hiệu này ở chính quốc. Tại sao vậy?

Tìm mỏi mắt không có thông tin nhà sản xuất, thành phần… kể cả trên bao bì chính và tem phụ

1- Về hàng giả, hàng kém chất lượng

Theo quy định của pháp luật:

* Hàng giả: được xác định vi phạm một trong số tiêu chí sau

– Có chất lượng, nội dung không đúng như công bố;

– Làm giả một thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa trên thị trường;

– Làm giả địa chỉ; ghi tên doanh nghiệp không có thật;

– Làm giả nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm;

* Hàng nhái: được hiểu là dễ gây nhầm lẫn đối với hàng hóa, thương hiệu khác đang được lưu thông trên thị trường.

* Hàng kém chất lượng: chất lượng không đúng như công bố hoặc không đảm bảo theo tiêu chuẩn, quy chuẩn về hàng hóa mỹ phẩm theo quy định của Bộ Y tế hoặc pháp luật.

2– Quy định của pháp luật đối với hàng hóa

Trong lĩnh vực mỹ phẩm là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Do đó, ngoài Giấy phép ĐKKD, nó còn đòi hỏi đơn vị sản xuất, phân phối phải hoàn thiện hồ sơ quản lý tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa trong sản xuất, lưu thông và thu hồi.

Cụ thể như sau:

2.1- Về điều kiện của giấy phép con

* Đối với sản phẩm nhập khẩu: theo quy định của Bộ Y tế, doanh nghiệp phải đăng ký công bố đối với mỹ phẩm nhập khẩu và số công bố ấy phải do Cục quản lý dược – Bộ Y tế cấp. Như vậy, để thuận lợi cho việc báo cáo cho các cơ quan quản lý khi có yêu cầu, các doanh nghiệp sẽ ghi thông tin số công bố đó trên bao bì. Nó thường được ký hiệu của phần đuôi là: Số CB: xxx/CBMP-QLD (chúng ta để ý chữ QLD là viết tắt của Cục quản lý dược).

Ngoài ra, sản phẩm còn phải được kiểm nghiệm tại cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi bán ra thị trường.

* Đối với sản phẩm trong nước: Do Sở Y tế địa phương cấp. Số CB: xxx/CBMP-HN (HN tức là Sở Y tế Hà Nội cấp).

Phần đuôi của các số công bố kể trên được Bộ Y tế hướng dẫn các địa phương ghi thống nhất toàn ngành. Một số giấy tờ khác như: Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm hay phiếu kiểm nghiệm thành phần mỹ phẩm thì không bắt buộc thể hiện ngoài bao bì.

2.2- Quy định truy xuất được nguồn gốc của hàng hóa

Theo quy định của pháp luật Việt Nam và kể cả trên thế giới, thì hàng hóa lưu thông trên thị trường phải đảm bảo được nguyên tắc: truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa đó. Lưu ý là trường hợp hàng hóa được quảng cáo là “xách tay”, thì cũng phải tuần thủ nguyên tắc này.

3- Cách nhận biết sản phẩm chính hãng

Từ những phân tích trên, để sản phẩm là hàng chính hãng thì sản phẩm đó phải có những thông tin tối thiểu:

– Có thông tin về mã vạch hoặc Barcode của sản phẩm (bắt buộc);

– Có thông tin về địa chỉ của nhà sản xuất (địa chỉ cụ thể, website, số điện thoại). Đối với sản phẩm nhập khẩu mà bao bì chưa được Việt hóa, chúng ta phải đảm bảo tìm thấy những thông tin này trên bao bì gốc của sản phẩm. Tối thiểu nhất phải có địa chỉ cụ thể, Email và website. Ví dụ:

Croda Fragrances Corp.

40 W – 57th Street – Floor 17

NY 10019 – New York (United States)

global.cosmetic@givaudan.com

– Đối với hàng nhập khẩu, ngoài thông tin chi tiết của hãng sản xuất thì nhà nhập khẩu phải ghi rõ thông tin của nhà nhập khẩu hoặc nhà phân phối để có thể liên hệ được.

– Thông tin về hàng hóa phải minh bạch, rõ ràng, đầy đủ (kể cả tem phụ của hàng nhập khẩu):

+ Thành thành phần cấu tạo sản phẩm;

+ Tính năng tác dụng;

+ Hướng dẫn sử dụng;

+ Khuyến cáo…

+ Hạn sử dụng.

– Các thông tin khác: số lô, ngày sản xuất, tem chống giả….

Nếu bạn thấy nghi ngờ, bạn có thể gọi thử vào số điện thoại của nhà nhập khẩu để hỏi về địa chỉ của họ hoặc truy cập website của nhà nhập khẩu để đối chiếu thông tin bao bì và nhãn mác.

Hãy xem một sản phẩm, nhãn hiệu khá nổi tiếng khác:

Chai K’afen này có mã vạch và thông tin nhà sản xuất (Hong Kong) không đồng nhất

Trên thân chai này, ghi nguồn gốc và mã vạch đều thể hiện sản xuất bởi một công ty ở Hồng Kông, Trung Quốc; nhưng bao bì phụ lại ghi bằng tên tiếng Anh: Product or Germany (sản xuất tại Đức). Trong đó thông tin đơn vị phân phối mập mờ, không rõ ràng; không có địa chỉ hoặc thông tin liên hệ. Điều này chắc chắn chỉ để trốn tránh cơ quan chức năng kiểm tra và quản lý thị trường. Cho nên đây cũng là sản phẩm hàng giả 100%.

Nếu bạn thấy nghi ngờ, bạn có thể gọi thử vào số điện thoại của nhà nhập khẩu để hỏi về địa chỉ của họ hoặc truy cập website của nhà nhập khẩu để đối chiếu thông tin bao bì và nhãn mác.

Một sản phẩm có uy tín, nhà sản xuất luôn hướng đến sự minh bạch thông tin, nên thiếu bất kỳ cấu thành nào ở trên, bạn có quyền nghi ngờ về chất lượng sản phẩm và cần kiểm tra kỹ lưỡng trước khi xuống tiền kẻo tiền mất và lại mang về cảm giác nghi ngờ, bực mình mà không biết kêu ai.

Chúc thành công!

Created by Vuong.LT

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *